Bà Kết (bên phải) cùng con gái gói bánh ú lá tre
Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch), nhiều người tất bật chuẩn bị gói bánh ú lá tre cúng ông bà. Đây là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở Trảng Bàng, trong đó có gia đình của bà Trần Thị Kết (SN 1963), ngụ khu phố Lộc Trát, phường Gia Lộc. Những ngày gần đây, gia đình bà tập trung gói bánh ú lá tre vừa cúng ông bà, vừa để bán.
Hơn 30 năm làm bánh ú lá tre
Đảm đang, khéo tay, từ hồi trẻ, bà Trần Thị Kết đã biết làm nhiều loại bánh truyền thống. Đến dịp Tết Đoan Ngọ, bà Kết thử làm bánh ú lá tre cúng ông bà và biếu tặng người thân, hàng xóm. Nhiều người ăn bánh bà làm tấm tắc khen ngon rồi sang năm đặt bà làm vài xâu để cúng ông bà.
Tiếng lành đồn xa, một người, hai người rồi vài chục người đến đặt bánh, bà Kết huy động chị em, chồng và các con thức đêm gói bánh. Người chuẩn bị nếp, người hái lá tre, người làm nhân, tất bật gói những chiếc bánh ú lá tre nhỏ nhắn kịp giao cho khách đúng dịp Tết Đoan Ngọ.
Bà Kết kể về câu chuyện bén duyên với nghề làm bánh ú lá tre đã hơn 30 năm. Lúc mới nhận đơn bánh đầu tiên, bà chỉ nghĩ mình làm giúp bà con, hàng xóm vài xâu bánh cúng ông bà vì họ quá bận rộn. Rồi lâu dần, đơn bánh ngày càng tăng, có năm bà nhận đơn hơn 6.000 bánh, phải huy động cả gia đình cùng làm.
Dần dần, nghề làm bánh ú lá tre dịp Tết Đoan Ngọ đã trở thành nghề truyền thống của gia đình bà. Gần đến Tết Đoan Ngọ là khách quen gọi điện thoại, nhắn tin đặt bánh. Có khách ở các tỉnh, thành khác đặt hàng, có đơn vài chục, có đơn cả ngàn cái. Cứ thế, nghề làm bánh ú lá tre đã trở thành thu nhập chính gia đình bà. “Lúc đầu tôi chỉ làm bánh ú lá tre bán để có thêm chi phí chăm lo cho gia đình, lâu dần nghề này đã đem lại nguồn thu nhập kha khá cho gia đình tôi mỗi dịp Tết Đoan Ngọ”- bà kết chia sẻ.
Năm nay, bà Kết dự định làm vài chục bánh để gia đình cúng kiếng ông bà, nhưng nhiều khách “năn nỉ” quá, bà từ chối không đặng nên nhận vài đơn với gần 1.000 cái bánh. Với số lượng đơn này, cả nhà bà chỉ làm trong 1 ngày là xong. “Gói bánh ú lá tre đã trở thành niềm vui của tôi và gia đình. Đến dịp Tết Đoan Ngọ không làm bánh là tôi lại cảm thấy “trống vắng” như thế nào đấy. Vì vậy, dù lớn tuổi, sức khoẻ không còn như xưa nhưng tôi vẫn muốn làm bánh để gia đình có dịp quây quần, thêm không khí ngày tết”- bà Kết nói.
Nói về ý nghĩa của việc cúng ông bà bằng bánh ú lá tre trong dịp Tết Đoan Ngọ, nhà nghiên cứu Phí Thành Phát (thị xã Trảng Bàng) cho biết, gắn với văn hoá nông nghiệp của ông cha ta, các nguyên liệu nếp, đậu được xem là những thành quả của mùa vụ bội thu. Để thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hoà, đất tươi tốt, cây trái sum suê, người dân đã dùng nếp và đậu làm thành bánh ú lá tre dâng cúng cùng các loại trái cây mùa hè như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Đây là nghi thức, phong tục gắn liền với đời sống dân gian của người Việt.
Bà có 4 cô con gái đã thành gia lập thất, nhưng tới dịp Tết Đoan Ngọ đều rủ nhau về nhà mẹ gói bánh phụ. Tuổi đã cao, bà Kết truyền nghề lại cho các con. Vì vậy, có thể nói, đây là nghề gắn kết các thế hệ gia đình với nhau. “Nhìn các con, các cháu tề tựu đông đủ cùng nhau gói bánh, nấu bánh, tôi lại thấy ấm lòng. Tôi truyền nghề cho các con để tụi nhỏ có thể tự làm bánh cúng gia tiên mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Các con yêu thích nghề này, tôi rất mừng”- bà Kết tâm sự.
Đôi tay tỉ mỉ gói bánh của bà Kết.
Chiếc bánh ú lá tre của bà Kết có màu xanh tự nhiên, đẹp mắt.
Bánh ú lá tre hương vị rau ngót
Bánh ú lá tre của bà Kết làm từ 100% nguyên liệu tự nhiên, kể cả màu bánh. Để bánh có màu xanh mướt đẹp mắt, bà Kết dùng lá rau ngót tạo màu. Cách làm màu bánh khá cầu kỳ, sau khi tuốt lá, rửa sạch, lá ngót được đem đi luộc chín và vớt ra để nguội. Sau đó, bà Kết xay nhuyễn lá ngót thành một dung dịch sệt màu xanh đậm, lọc lấy nước lá trộn vào nếp để bánh có màu xanh tự nhiên.
Về các công đoạn làm bánh, bà Kết cho biết, để có một chiếc bánh ú lá tre ngon, dẻo, thơm thì công đoạn ngâm nếp là quan trọng nhất. Nếp làm bánh phải là nếp loại I. Đem đi vo sạch xong, bà Kết ngâm nếp với nước tro trong 2 ngày để loại bỏ những tạp chất và giúp hạt nếp mềm dẻo hơn.
Kế đó bà đi xào nhân, nhân bánh ú lá tre thường làm bằng đậu xanh hấp chín, xay nhuyễn sên cùng đường cát trắng. Trộn đều hỗn hợp này dưới ngọn lửa liu riu, đảo đều tay cho đến khi sệt lại. Sau đó, bà để nguội rồi dùng tay vo hỗn hợp thành từng viên nhân bánh nhỏ xinh.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu nếp, nhân, lá tre, dây cột, cả gia đình bắt tay vào gói. Gói bánh cũng cần kỹ năng khéo léo và chắc tay, có nén chặt bánh mới có hình dáng đẹp. Tốc độ gói bánh của bà Kết rất nhanh, chưa đầy 1 phút đã xong 1 chiếc bánh. Nhờ sự góp sức của cả gia đình, 1.000 chiếc bánh gói xong trong 1 ngày.
Những chiếc bánh ú lá tre nóng hổi, nhỏ xinh là món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ
Sau khi gói, bà Kết bắt đầu nấu bánh. Bánh ú lá tre thường nấu khoảng 3 tiếng đồng hồ là chín. Bánh sau khi vớt ra phải chần qua nước lạnh để bánh mau nguội rồi đem phơi trên giàn cho ráo nước. “Bánh ú lá tre để qua đêm sẽ càng “dẻ” lại (bánh chắc và dẻo) ăn ngon hơn lúc vừa nấu chín. Bánh ú lá tre có thể để từ 5 – 7 ngày. Do thời hạn bánh ngắn nên đa phần khách đều muốn lấy bánh vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ”- Bà Kết cho biết.
Ăn thử chiếc bánh ú lá tre có hương vị rau ngót của bà Kết, đầu tiên, người ăn sẽ trầm trồ với màu xanh tự nhiên của bánh, kế đến cảm nhận được vị dẻo thơm của nếp và hương thơm nhè nhẹ của lá ngót, cùng vị ngọt thanh của nhân đậu xanh, tất cả góp phần làm cho chiếc bánh ú lá tre nhà bà Kết thêm ngon miệng và sinh động.
Dù bán bánh nhiều năm nhưng giá cả bánh ú của bà Kết không tăng nhiều, chỉ từ 35.000 đồng/xâu khi mua tại nhà bà. Những chiếc bánh chất lượng, ngon miệng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của bà luôn được khách hàng tin tưởng và tìm đến mua hằng năm.