Gói bánh Ú bằng lá tre đặc sản vùng sông nước Nam Bộ

Do được dùng lá tre để gói nên người ta gọi là bánh ú lá tre. Đây là một loại bánh dân gian, gắn bó từ lâu đời với người dân vùng sông nước Nam Bộ. Loại bánh này thường được làm nhiều nhất vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hàng năm.

Bánh ú lá tre. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Thông thường bánh ú được gói bằng 2 loại lá: lá chuối và lá tre. Tuy nhiên, bánh ú lá tre có màu sắc và hương vị đậm đà, thơm ngon hơn bánh ú gói bằng lá chuối.

Lá tre dùng để gói bánh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Để gói bánh ú lá tre được dai, dẻo, thơm ngon, đạt chất lượng, người ta thường dùng nếp dẻo, không lẫn lộn với các loại gạo khác. Nếu lộn với những loại gạo khác vào, nếp sẽ không được dai, dẻo và bánh sẽ không ngon. Trước khi gói, nếp phải được vo sạch, ngâm qua đêm với nước tro. Nếp sau đó được vớt ra và vút lại (xả lại, rửa lại) với nước sạch, rồi để cho ráo.

Nếp được vút sạch để gói bánh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Nhân của bánh ú lá tre thường được làm bằng đậu xanh cà (đậu xanh được làm cho tách đôi và sạch vỏ) được luộc chín, giã nhuyễn, xào với đường, muối, hạt nêm và vo lại thành từng viên nhỏ. Nhiều nơi, người ta còn gói bánh ú lá tre với nhân dừa rám vỏ (dừa mới bắt đầu khô) xào với đường cát hoặc nhân thịt mỡ…

Gói bánh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Lá tre dùng để gói bánh, thông thường người ta dùng lá tre mạnh tông, tre mỡ. Loại lá tre này thường to hơn các loại lá tre khác. Sau khi luộc chín, bánh có màu xanh, hương thơm đậm đà.

Gói bánh ú lá tre đòi hỏi phải khéo tay rành nghề. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Trước khi gói, lá tre phải được rửa sạch, phơi cho lá hơi bị héo lại để cho lá mềm, không bị rách và dễ gói. Khi gói, xếp 2 chiếc lá tre lại với nhau tạo thành một chiếc phễu nhỏ, cho nếp, nhân vào rồi gói lại tạo thành hình tam giác nhưng phải có 4 góc rồi buộc lại bằng dây lát.

Bánh ú lá tre thường luộc bánh khoảng 3 giờ là chín tới. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Khi buộc bánh cũng không được buộc quá chặt hoặc quá lỏng. Vì nếu buộc chặt, lúc luộc đến khi nếp nở sẽ bị tràn ra ngoài vỏ và nếu buộc lỏng, bánh sẽ nhão và ăn không ngon. Sau khi buộc xong, bánh sẽ được cột lại thành từng chùm rồi cho vào xoong luộc. Bánh luộc khoảng 3 giờ đồng hồ sẽ chín tới, được vớt ra rửa lại với nước lạnh và để cho ráo nước là có thể ăn được.

Bánh sau khi luộc được vớt ra và rửa lại với nước lạnh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Người dân Cà Mau, Nam Bộ, thường gói bánh ú lá tre để ăn vào những lúc nông nhàn, sau mùa thu hoạch lúa. Trong đó, phổ biến nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hàng năm. Cái Tết này bà con thường gọi là ngày Tết giết sâu bọ gây hại cho cây trồng, góp phần bảo vệ mùa màng.

Bánh ú lá tre sau khi luộc được treo lên cho ráo nước. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Bánh ú lá tre là một trong những loại bánh dân gian, được chế biến hoàn toàn bằng thủ công, bằng bàn tay khéo léo của con người. Bánh không có sử dụng hóa chất hoặc các phụ gia chế biến thực phẩm nên rất an toàn cho sức khỏe con người. Bánh ú lá tre thường có độ dai dẻo của nếp, vị bùi của đậu và mùi thơm đậm đà của lá tre. Ngày nay, trên thị trường mặc dù xuất hiện rất nhiều loại bánh sản xuất theo quy mô công nghiệp nhưng loại bánh dân gian truyền thống bánh ú lá tre vẫn luôn giữ được “hương vị đậm đà” trong lòng của người dân Nam Bộ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *